Vào 28-29/03/2015, với sự hỗ trợ của Công ty Du lịch Ecosea và Thái Bình Garden, Câu lạc bộ Du lịch có Trách nhiệm Việt Nam tổ chức một chuyến đi 2 ngày 1 đêm tới hai tỉnh Thái Bình và Nam Định với mục đích khám phá, trải nghiệm sản phẩm mới và khảo sát một số điểm đến tiềm năng cho du lịch có trách nhiệm.
Thái Bình và Nam Định đều nằm trong khu vực Đồng bằng châu thổ sông Hồng, nơi có lịch sử định cư và truyền thống văn hóa lâu đời. Tạo hóa đã phú cho hai vùng đất này những địa hình tự nhiên đa dạng thích hợp để phát triển nhiều loại hình du lịch, đặc biệt là những loại hình theo định hướng du lịch có trách nhiệm như du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, du lịch đồng quê.
Với mong muốn phát hiện những điểm đến tiềm năng để xây dựng các chương trình du lịch có trách nhiệm, nhóm khảo sát đã tới những địa điểm cụ thể sau:
Làng cổ Nôm – xã Đại Đồng, huyện Văn Lâm, Hưng Yên
Trên đường tới với Thái Bình – Nam Định đoàn khảo sát có ghé thăm làng cổ Nôm tại Đại Đồng, Văn Lâm, Hưng Yên. Điểm đến có thể xây dựng thành một chương trình du lịch làng quê độc đáo. Một số điểm nổi bật của làng đó là không gian cổ kính của làng quê Việt Nam với những cây đa, giếng nước, sân đình, đình làng, chùa, chợ, cổng làng và những ngôi nhà cổ. Làng còn có cây Cầu Đá 9 nhịp chạm Rồng trên 300 năm tuổi, được xây dựng dưới thời nhà Lê. Chùa Nôm hay còn gọi là “Linh thông cổ tự” rất hoành tráng ở trong khuôn viên 15 ha, có 100 tượng Phật bằng đất rất sống động. Nghề đúc đồng truyền thống tại đây cũng rất nổi tiếng với các sản phẩm tinh xảo vào loại sớm nhất nước ta. Dưới thời Nguyễn làng được giao nhiệm vụ đúc tiền và chuyển về kinh thành.
Thái Bình Garden – làng Duyên Trường, xã Tây Đô, huyện Hưng Hà, Thái Bình
Điểm dừng chân tiếp theo đoàn tới khảo sát là Thái Bình Garden. Một khu nghỉ với những nhà gỗ nhỏ được thiết kế mộc mạc, nội thất bên trong đầy đủ, tiện nghi, giữa không gian yên tĩnh thanh bình của làng quê. Các dịch vụ ăn uống và lưu trú rất chu đáo và đầy đủ. Không chỉ xây dựng theo hướng khu nghỉ sinh thái, Thái Bình Garden còn tuyển dụng hầu hết là nhân công bản địa, xây dựng các chương trình du lịch dựa trên tài nguyên sẵn có tại địa phương. Đây sẽ là một địa điểm lý tưởng để du khách tận hưởng thời gian yên tĩnh nơi thôn dã, hòa mình với cuộc sống của những người dân thân thiện, hiếu khách, và trải nghiệm nhiều hoạt động du lịch nông thôn độc đáo. Hiện tại Thai Bình Garden đang được mở rộng về sức chứa cũng như các khu chức năng khác để phục vụ nhu cầu đa dạng của khách du lịch.
Nam Định – xã Thiên Trường – Cánh đồng muối Bạch Long
Rời Thái Bình đoàn khảo sát tới với Nam Định, qua làng Thiện Nhân quê hương của của cố Tổng bí thư Trường Chinh và được nghe kể nhiều câu chuyện kể thú vị về đất và người tại địa phương. Tiếp đó đoàn tới tham quan một điểm đến rất có tiềm năng phát triển du lịch đó là cánh đồng muối xã Bạch Long, huyện Giao Thủy, Nam Định. Cánh đồng muối hiện vẫn còn giữ được vẻ đẹp mộc mạc, bình dị với những nhà chứa muối lợp bằng rơm rạ, chưa chưa bị bê tông hóa. Đoàn khảo sát cũng rất ấn tượng với khu kéo vó bè ven biển của người dân và cảnh hoàng hôn buông trên mặt biển tuyệt đẹp.
Homestay và giao lưu nghệ thuật truyền thống với cộng đồng văn hóa Giao Xuân
Với sự hỗ trợ Khu Du lịch văn hóa cộng đồng Giao Xuân, đoàn khảo sát đã được đón tiếp với tình cảm ấm áp và được thưởng thức những loại hình nghệ truyền thống do người dân địa phương thể hiện như hát quan họ, hát chầu văn.
Ngày đầu tiên của chuyến đi tập trung khảo sát các điểm du lịch sinh thái, du lịch nông thôn và các sản phẩm du lịch văn hóa. Nhìn chung, các sản phẩm đều mang định hướng du lịch trách nhiệm rõ nét. Các đại diện công ty rất hào hứng và đóng góp nhiều ý tưởng để xây dựng và ngày càng hoàn thiện các sản phẩm du lịch có trách nhiệm tại các điểm đến này.
Vườn quốc gia Xuân Thủy – Cửa biển Ba Lạt
Ngày thứ hai nổi bật với điểm nhấn là Vườn Quốc gia Xuân Thủy – rừng ngập mặn đầu tiên ở Việt Nam được quốc tế công nhận theo công ước Ramsar, là rừng ngập mặn thứ 50 của thế giới. Đây là địa điểm tuyệt vời để thiết kế các chương trình du lịch đi bộ, đi xe đạp, đi thuyền qua rừng ngập mặn khi thủy triều lên và quan sát các loại chim di trú tới khu vực Vườn Quốc gia. Một tuyến du lịch khác cũng rất thú vị đó là đi thuyền từ Vườn Quốc gia Xuân Thủy tới cửa Ba Lạt – nơi con sông Hồng hòa mình với biển khơi. Một trải nghiệm cũng không thể bỏ qua đó là tới thăm các chòi ngao tại khu vực cửa Ba Lạt này và cùng ăn cơm với ngư dân trên chòi.
Chợ hải sản – Nghề làm nước mắm, mắm tôm truyền thống
Một số hoạt động khác mang đậm tính cộng đồng đó là việc ghé thăm chợ cá buổi sáng – các loại hải sản tươi ngon được ngư dân mang vào bờ sau một đêm đánh bắt ngoài khơi, tới thăm quan và học quy trình làm nước mắn tại một hộ gia đình địa phương, hay cùng khám phá chợ quê với những món ngon và hàng hóa đặc trưng cho miền biển Nam Định.
Xin gửi lời cảm ơn tới Ecosea Travel và Ecolife đã có nhiều hỗ trợ cho đoàn trong chuyến đi khảo sát lần này. Với các điểm đến đa dạng từ các sản phẩm du lịch văn hóa, sinh thái, đồng quê tới nhiều loại hình du lịch có thể áp dụng như đi bộ, đạp xe,..hy vọng chuyến đi này sẽ mang lại nhiều ý tưởng mới, nhiều sản phẩm mới vừa có hiệu quả kinh tế vừa đáp ứng được tiêu chí của du lịch có trách nhiệm.
Phạm Hà – Lan Chi
http://www.otc-certified-store.com/cholesterol-medicine-usa.html
One Comment